LY HÔN – MỘT SỐ Ý KIẾN PHÁP LÝ



Hôn nhân là chia sẻ, đồng hành và cùng nhau xây đắp hạnh phúc. Thế nhưng không phải cuộc hôn nhân nào cũng có thể bền vững theo thời gian. Mỗi một sự tan vỡ đều có lý do riêng của nó mà chỉ có chính bạn là người trong cuộc mới thấu hiểu.

Nhưng dù vì bất kỳ lý do gì, khi ly hôn chúng ta vẫn phải nhìn lại và giải quyết những vấn đề liên quan về quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung, nợ chung.

Dưới đây là một trường hợp tư vấn ly hôn thực tế của Khách hàng và ý kiến pháp lý của Luật sư để bạn tham khảo. Tuy nhiên, vì tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật thông tin nên bài viết đã được thay đổi thông tin của Khách hàng.

Thông tin Quý khách hàng cung cấp: 

·         Quan hệ hôn nhân: Ông N (người nước ngoài) và vợ (người Việt Nam) kết hôn tháng 2/2011 và đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật Việt Nam.  

·         Con chung: 01 bé sinh vào tháng 11/2012 

·         Tài sản chung: 2 căn nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh  

·         Nợ chung: không có  

 

I. VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN 

Ông N và vợ có những mâu thuẫn với nhau, ông có được ly hôn với vợ không? 

Ý kiến LS: Trong trường hợp vợ chồng ông N mâu thuẫn không thể hàn gắn, mục đích hôn nhân không đạt được thì ông N có thể thỏa thuận với vợ về việc thuận tình ly hôn hoặc ông N có thể đơn phương yêu cầu ly hôn. 


II. VỀ CON CHUNG  

1.                  Ông N có được nuôi con sau ly hôn không? 

Ý kiến LS: Vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, trường hợp không thể thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết căn cứ quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.  

2.                  Việc cấp dưỡng nuôi con được quy định như thế nào? 

Ý kiến LS: Mức cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp không thể thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết căn cứ thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.  


III.VỀ TÀI SẢN CHUNG  

1.                 Tài sản là 02 căn nhà nêu trên do hai vợ chồng mua trong thời kỳ hôn nhân thì được chia như thế nào? Vợ ông N ngoại tình có thể được xem xét để giải quyết liên quan đến việc chia tài sản không?  

Ý kiến LS: 

Theo thông tin ông N cung cấp thì tài sản trên do hai vợ chồng mua trong thời kỳ hôn nhân. Hai vợ chồng ông N không thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nên sẽ áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

Theo quy định pháp luật, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: (i) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; (ii) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, (ii) Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; (iv) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; (v) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.   

Như vậy, Căn cứ quy định nêu trên, tài sản chung của vợ chồng ông N về nguyên tắc sẽ được chia đôi nhưng sẽ xem xét công sức đóng góp của mỗi bên và yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tuy nhiên, vợ ông N có dấu hiệu không chung thủy (“ngoại tình”). Trường hợp ông N có các chứng cứ chứng minh vợ không chung thủy thì có thể xem xét liên quan đến việc chia tài sản của vợ chồng.  

2.                  Tài sản được chia theo giá trị hay hiện vật 

Ý kiến LS: Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. 

4.                  Lệ phí, án phí ly hôn được giải quyết như thế nào? 

Ý kiến LS 

Án phí đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình không có giá ngạch là 300.000 đồng.  

Trường hợp có tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng thì ngoài mức án phí nêu trên còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia. 

Trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung; 

Trường hợp các bên thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch. 

Danh mục án phí, lệ phí Tòa án được quy định chi tiết tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc hội.  

5.                  Quá trình ly hôn tại Toà án được thực hiện trong khoản thời gian bao lâu?  

Ý kiến LS: Tùy trường hợp thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn và tính chất phức tạp của vụ án mà thời gian giải quyết khác nhau.  

6.                  Trong trường hợp các bên không thực hiện phân chia tài sản chung theo Thỏa thuận hoặc Quyết định/Bản án có hiệu lực pháp luật thì làm sao để giải quyết tài sản chung?  

Ý kiến LS 

Trường hợp các bên thỏa thuận giải quyết về tài sản chung nhưng không ghi nhận tại Quyết định/Bản án hoặc bất kỳ văn bản nào khác, sau đó một bên không thực hiện thì bên còn lại có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.  

Trường hợp các bên thỏa thuận về tài sản chung và ghi nhận tại Quyết định hoặc được giải quyết tại Bản án thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành Quyết định/Bản án có hiệu lực của Tòa án.  

Phí thi hành án được quy định chi tiết tại Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự. 

Trên đây là một số nội dung cơ bản để Quý Khách hàng tham khảo. Tuy nhiên, hôn nhân là câu chuyện “mỗi nhà mỗi cảnh” nên nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc xác định tài sản, con cái hay thậm chí là các khoản nợ của vợ chồng, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau để được Luật sư tư vấn chi tiết:

LUẬT SƯ LÊ THỊ MỸ ĐÍNH

Điện thoại: 0933.88.3919

Email: lsmydinh@gmail.com

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

HÔN NHÂN – HIỂU ĐÚNG VỀ TÀI SẢN

“CẦM TAY” CHỈ VIẾT DI CHÚC