HÔN NHÂN – HIỂU ĐÚNG VỀ TÀI SẢN

 



HÔN NHÂN – HIỂU ĐÚNG VỀ TÀI SẢN

Có người bảo tên gọi khác của đau thương là “ Hôn nhân”.

Một ý kiến khác lại cho rằng tên gọi khác của “ Hôn nhân” là Hạnh phúc.

Vậy “Hôn nhân” là Đau thương hay Hạnh phúc?

Thực tế thì Hôn nhân là Hôn nhân, Đau thương hay Hạnh phúc là do con người cùng xây dựng và cảm nhận.

Vậy làm thế nào để hạn chế những đau thương?

Một trong những yếu tố then chốt của Hôn nhân lại liên quan đến chuyện tiền nong, tài sản. Do đó, tại sao bạn không tìm hiểu một chút về chế độ tài sản của vợ chồng trước, trong và sau Hôn nhân như thế nào? Nên thỏa thuận với nhau những vấn đề gì trước khi chính mình “ đào mộ chôn tình yêu cao đẹp của mình”.

Có nên Thỏa thuận tiền hôn nhân không? Nếu có thì cần thỏa thuận những nội dung gì và được thể hiện như thế nào?

Bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết những thắc mắc trên và chuẩn bị hành trang bước vào Hôn nhân với một tâm thái sẵn sàng để xây dựng Hạnh phúc.

Theo truyền thống

Thực sự mà nói thì thế hệ ông bà, cha mẹ của bạn sẽ “mắt chưa O, miệng chữ A” khi nghe về việc thỏa thuận tiền hôn nhân. Bởi lẽ, ông bà ta luôn có một quan niệm “ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” để nói về người phụ nữ chính chuyên. Do đó, sẽ không có vấn đề người phụ nữ được giữ tài sản riêng. Tuy nhiên, liệu những cuộc Hôn nhân như vậy có hạnh phúc, liệu việc đó có còn phù hợp với xã hội hiện tại không?

Vậy, theo pháp luật thì sao?

Để đảm bảo tính bình đẳng và trật tự xã hội, pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội trong một phạm vi nhất, trong đó có quan hệ hôn nhân gia đình.

Tùy theo từng thời kỳ mà pháp luật có những quy định điều chỉnh riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại pháp luật cũng quy định “ cởi mở” và tôn trọng quyền tự thỏa thuận và quyết định đối với tài sản của mỗi người. Theo đó, để xây dựng một cuộc Hôn nhân bạn có thể thỏa thuận với đối phương về chế độ tài sản. Cụ thể:

1.     Chế độ tài sản theo thỏa thuận

Thời gian: Thỏa thuận lựa chọn chế độ tài sản phải được tạo lập trước hôn nhân. Tuy nhiên, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Hình thức: Văn bản có công chứng, chứng thực

Nội dung: thỏa thuận chi tiết các vấn đề

-       Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng;

-       Quyền của vợ/chồng liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng và các giao dịch có liên quan, tài sản để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình (trường hợp này quy định chi tiết quyền xác lập giao dịch);

-       Điều kiện, thủ tục, nguyên tắc để thực hiện phân chia tài sản khi chấm dứt các chế độ tài sản;

-       Một số những nội dung khác (lưu ý là nội dung này không được trái đạo đức và pháp luật, có thể liên quan đến các kế hoạch chi tiêu chung của gia đình, các khoản chi phí, các nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau và đối với con trong cuộc sống hôn nhân).

Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng có thể được thay đổi theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, Thỏa thuận phải được lập thành văn bản và công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.

Lưu ý, một số trường hợp Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng có thể vô hiệu:

(i) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

(ii) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình;

(iii) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

2.     Chế độ tài sản theo luật định

Trường hợp vợ và chồng không có bất kỳ thỏa thuận nào khác, chế độ tài sản của vợ chồng sẽ được áp dụng theo quy định pháp luật. Cụ thể Luật hôn nhân và gia đình quy định:

Tài sản chung của vợ chồng: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Tài sản riêng: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ chồng, tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.

Lưu ý:

Đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ/chồng sẽ được xác định là tài sản chung hoặc tài sản riêng tùy từng trường hợp. Cụ thể:

-       Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình được xác định là tài sản riêng.

-       Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình được xác định là tài sản riêng.

-      Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng do phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản riêng của vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận hoa lợi, lợi tức này là tài sản chung của vợ/chồng thì hoa lợi, lợi tức này được xác định là tài sản chung.

Qua nội dung bài viết chắc bạn đã hình dung được những vấn đề cơ bản và xác định được định hướng cho bản thân khi đặt bút ký Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc xác định tài sản, con cái, hay thậm chí là các khoản nợ của vợ chồng, bạn có thể liên hệ theo thông tin sau để được Luật sư tư vấn chi tiết:

LUẬT SƯ LÊ THỊ MỸ ĐÍNH

Điện thoại: 0933.88.3919

Email: lsmydinh@gmail.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LY HÔN – MỘT SỐ Ý KIẾN PHÁP LÝ

“CẦM TAY” CHỈ VIẾT DI CHÚC